Vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào Việt Nam qua M&A

13/07/2021

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán – sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) cho rằng, nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục chảy mạnh qua M&A, nhất là ở lĩnh vực bất động sản, dịch vụ tài chính và năng lượng.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán – sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản).

Đánh giá của ông về hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam trong năm 2019?

Chúng tôi rất lạc quan về triển vọng phát triển của thị trường M&A. Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường đã thể hiện sự tăng trưởng như mong đợi. Chúng tôi tin rằng, nguồn vốn đổ vào thị trường M&A Việt Nam sẽ tiếp tục đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đứng đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc, tiếp theo là Singapore và Thái Lan. Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc sẽ đóng vai trò chủ động hơn trong tương lai.

Một làn sóng mới của thị trường, nhưng không kém phần quan trọng, chính là các nhà đầu tư trong nước đang chủ động hơn trong những giao dịch M&A. Các tập đoàn lớn bao gồm Vingroup, KIDO, Masan, Vinamilk, Saigon Co.op và Trường Hải đã và đang mở rộng quy mô bằng cách thực hiện hàng loạt thương vụ M&A. Theo tôi, xu hướng này sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay.

Ông có thể nói rõ hơn lý do M&A vẫn tiếp tục sôi động trong năm nay?

M&A là cách nhanh và hiệu quả nhất để gia nhập, mở rộng thị phần nội địa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với Việt Nam, các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực, sự ổn định về chính trị, việc ký kết các thỏa thuận thương mại tự do và nỗ lực nới trần sở hữu nước ngoài, cũng như cải thiện tính minh bạch là những động lực chính cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường M&A.

Chúng ta đã chứng kiến làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2019. Từ Hàn Quốc, Woowa Brothers mua lại một công ty giao thức ăn của Việt Nam; Tập đoàn SK đồng ý đầu tư 1 tỷ USD mua 6% cổ phần của Vingroup. Từ Nhật Bản, Mitsui & Co đồng ý thỏa thuận chi khoảng 150 triệu USD cho 35,1% cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú; Advantage Partners mua lại chuỗi thời trang trong nước Elise… Chúng tôi mong đợi dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Lĩnh vực, ngành nghề nào hứa hẹn sẽ có làn sóng M&A sôi động trong thời gian tới, thưa ông?

Chúng tôi kỳ vọng làn sóng M&A sẽ sôi động hơn nữa trong các ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài coi M&A là cách nhanh nhất để có được các giấy phép hoạt động cần thiết tại Việt Nam, như bất động sản, dịch vụ tài chính và năng lượng. Ngoài ra, ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống với sự tăng trưởng mạnh mẽ ấn tượng trong những năm qua sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh và những ưu tiên của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng, lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn. Các nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng lập liên doanh với các công ty nội địa hơn là mua lại, vì các công ty này có tài sản đất đai và kết nối tốt với chính quyền địa phương, trong khi nhà đầu tư ngoại có vốn và kỹ thuật tốt.

Đối với ngành tài chính – ngân hàng, liệu M&A có dậy sóng?

Các thương vụ M&A liên quan đến ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như dịch vụ tài chính, bao gồm fintech, tài chính tiêu dùng, ngân hàng… luôn nhận được sự chú ý. Mặc dù cấu trúc những thương vụ này rất phức tạp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường.

Hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc, do hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong nước đã được cải thiện đáng kể và quy định của Ngân hàng Nhà nước về chuẩn mực vốn theo Hiệp định Basel II sẽ áp dụng từ năm 2020. Làn sóng M&A ngân hàng vì thế có thể rất sôi động.

Nhưng quy định về “room” ngoại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn được xem là rào cản lớn, thưa ông?

Các chuyên gia trên thị trường cho rằng, giới hạn sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng trong nước có năng lực tốt nên cần được nới room từ mức hiện tại 30% lên 49%.

Bên cạnh các quy định về sở hữu nước ngoài, chúng tôi tin rằng, thị trường Việt Nam cần làm được điều quan trọng khác để thu hút các nhà đầu tư. Việt Nam cần tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia bằng cách liên tục cải tiến môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch, cải cách khung pháp lý và tập trung đào tạo chất lượng nguồn nhân lực.

Theo ông, vấn đề được các nhà đầu tư ngoại quan tâm khi M&A doanh nghiệp Việt Nam là gì?

Các nhà đầu tư có các tiêu chí khác nhau khi xác định mục tiêu đầu tư. Tùy vào hoàn cảnh, các nhà đầu tư tài chính cân nhắc mục tiêu có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với kỳ vọng lợi nhuận cao, thời gian thực hiện thương vụ thuận lợi. Các nhà đầu tư chiến lược thường yêu cầu về chỗ đứng trong thị trường, thị phần, chuyên môn trong ngành, khả năng quản lý, năng lực tài chính… Những đặc điểm này có thể khác nhau tùy theo ngành hoặc lĩnh vực, do đó, xác định các tiêu chí đầu tư trong một thương vụ là rất quan trọng.

Hậu M&A cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả nhà đầu tư và công ty mục tiêu. Sự khác biệt về văn hóa và xung đột quản lý thông thường là mối quan tâm lớn nhất. Các nhà đầu tư kỳ vọng rằng, thói quen làm việc, tác phong báo cáo, giao tiếp kinh doanh và tư duy kinh doanh của các bên sẽ có được sự hòa hợp càng sớm càng tốt. Các vấn đề khác như đồng bộ hóa hệ thống vận hành (tài chính, công nghệ thông tin, nhân sự) cũng có thể làm cho thời kỳ hậu M&A tốn kém về mặt thời gian, nếu không được quản lý tốt ngay từ ban đầu.
Nguồn: Báo Đầu Tư – https://baodautu.vn/von-ngoai-se-chay-manh-vao-viet-nam-qua-ma-d104559.html